Set kèo đi đu đưa ngay ở Tây Yên Tử cùng hội bạn để có một ngày chụp choẹt cháy máy nào team lười đi xa ơi!
Nằm ngay gần Hà Nội, Tây Yên Tử (Bắc Giang) được ví như Vạn Lý Trường Thành phiên bản thu nhỏ ngay tại Việt Nam. Đây là một trong những địa điểm du lịch được nhiều người lựa chọn làm "first trip" cho năm 2020. Nơi này rất thích hợp cho những chuyến đi cuối tuần 2 ngày 1 đêm, nhanh tay "set kèo" với lũ bạn nào!
Chỉ cách Hà Nội khoảng hơn 100km, khu du lịch Tây Yên Tử thuộc tỉnh Bắc Giang có hệ thống đa dạng các di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh với sức hút kì lạ.
Để đến được Tây Yên Tử, bạn có thể di chuyển bằng nhiều phương tiện. Nếu di chuyển bằng xe máy hoặc ôtô riêng, bạn xuất phát từ trung tâm Hà Nội, chạy qua Cầu Nhật Tân – Quốc lộ 18 (Bắc Ninh). Sau đó rẽ vào cao tốc Hà Nội – Bắc Giang. Hoặc từ Hà Nội, bạn đi qua cầu Thanh Trì, Vĩnh Tuy, nối vào cao tốc Hà Nội – Bắc Giang và đi thẳng tới Big C Bắc Giang thì đến tỉnh lộ 293. Từ trung tâm thành phố Bắc Giang, bạn cứ việc đi thẳng là đến Khu du lịch Tây Yên Tử (thôn Đồng Thông, xã Tuấn Mậu).
Nếu di chuyển bằng xe khách, bạn có thể bắt xe từ Hà Nội về bến xe Bắc Giang. Sau đó, ở bến xe Bắc Giang bắt xe số 07 đi khoảng 70km, tầm 1 tiếng đồng hồ là đến. Xe bus chuyến sớm nhất khởi hành lúc 5h, chuyến tiếp theo vào lúc 7h30 và sau đó mỗi chuyến cách nhau 40 phút, chuyến cuối lúc 19h.
Từ cổng vào của Tây Yên Tử, bạn có thể tham quan quảng trường và một số điểm bên dưới trước. Sau đó, bạn đi cáp treo khoảng 10 đến 15 phút để đến chùa Thượng và đi bộ thêm 30 phút nữa là đến chùa Đồng để tham quan toàn bộ Tây Yên Tử.
*Giá vé tham khảo:
Xe bus: 55.000đ/người
Cáp treo: 260.000đ/khứ hồi/người
1. Cổng trời
Không phải chỉ Đà Lạt mới có cổng trời đâu nhé, Bắc Giang cũng có cổng trời ảo diệu đây này. Chiếc cổng vào ngay khu vực chùa Hạ là một điểm đến đầu tiên trong hành trình khám phá Tây Yên Tử. Chỉ cần bạn diện một set đồ thật xinh, mang theo một chiếc nón lá làm phụ kiện và check-in tại cổng trời, đảm bảo sẽ cho ra ngay bức ảnh sương khói mờ ảo không kém gì siêu phẩm Lạc Trôi của Sếp Tùng luôn ấy chứ!
2. Săn mây ở chùa Thượng
Khu vực chùa Thượng được bao quanh bởi rất nhiều mây trắng. Ngay cả con đường dẫn đến chùa Thượng cũng phải xếp vào hàng ảo diệu bởi hai bên là hai hàng cây xanh mướt và cũng luôn ngập trong mây. Các thánh săn mây đến đây kiểu gì cũng phải mê tít, có khi dựng lều để ở lại không chịu về cũng nên.
Bạn nhớ lưu ý rằng nếu lựa chọn leo bộ bạn cần chuẩn bị đầy đủ đồ đạc để leo núi như khăn giấy, đồ ăn dự trữ, nước uống,… vì đường leo núi trong thời gian này khá ẩm và dễ trơn trượt, bạn nhớ cẩn thận nhé!
3. "Vạn lý trường thành" phiên bản Việt
Đã lê la đến khu vực này mà không chạy đến check-in với bức tường thành siêu đẹp của thời nhà Trần thì quả là mất mát lớn đấy nhé. Đầu năm háo hức muốn có một chuyến du lịch nước ngoài nhưng quá bận bịu công việc. Vậy thì không phải lo, cứ xách máy ảnh lên và pose dáng "deep" vài pô là lập tức có bức ảnh xịn sò. Đăng lên facebook bảo rằng đang ở Trung Quốc thì kiểu gì chúng bạn cũng sẽ tin sái cổ cho mà xem.
4. Chùa Đồng
Nếu đặc sản của Phượng Hoàng cổ trấn là những ngôi nhà mái vòm điêu khắc tỉ mỉ hay những ngôi miếu treo đầy lồng đèn thì Chùa Đồng cũng không chịu thua kém tí nào đâu nhé.
Từ chùa Đồng, phóng tầm mắt xuống dưới chân núi bạn sẽ nhìn trọn khung cảnh thiên nhiên hùng vĩ với những khóm cây, ngọn núi ẩn hiện trong lớp mây bồng bềnh, mang lại cảm giác phiêu lưu cực kì ấn tượng. Chính vì vậy, cuối tuần kéo nhau lên đây thư giãn, hít thở chút không khí trong trẻo của núi rừng thì không còn gì tuyệt hơn.
Hiện tại ở Tây Yên Tử vẫn chưa có nhiều điểm phục vụ nhu cầu ăn uống của du khách tham quan. Vì vậy, bạn nên chủ động mang theo thức ăn/uống hoặc xuống khu vực dưới chân núi sẽ tìm thấy nhà hàng Tây Yên Tử và một số quán ăn theo kiểu bình dân, chi phí dao động từ 50.000đ - 120.000đ.
Nguồn: Kenh14